Thăm vương quốc Lưu Cầu xưa

Khám phá Nhật Bản
By Thế Giới Du Lịch , 06/07/2018
Thăm vương quốc Lưu Cầu xưa

Okinawa là đảo lớn nhất của quần đảo gồm hàng trăm hòn đảo trải dài hơn 1.000km trong vùng biển phía nam Nhật Bản. Quần đảo này xưa kia là một lãnh thổ độc lập, gọi theo tiếng Nhật là Ryukyu o koku, tiếng Hán - Việt là Lưu Cầu quốc.

 

Địa danh Lưu Cầu khá quen thuộc với những ai yêu thích sử học, qua những văn kiện bang giao giữa Lưu Cầu quốc với Quảng Nam quốc (tức xứ Đàng Trong) dưới thời các chúa Nguyễn, hay qua tác phẩm Lưu Cầu huyết lệ tân thư do cụ Phan Bội Châu viết vào năm 1903.

Vương quốc Lưu Cầu tồn tại trong các thế kỷ 15-19, được Trung Hoa hậu thuẫn nhờ có mối giao hảo với các triều Minh - Thanh. Năm 1609, lãnh chúa xứ Satsuma ở phía nam đảo Kyushu của Nhật Bản đã tấn công Lưu Cầu và buộc vương quốc này phải triều cống. Năm 1872, Nhật Bản tuyên bố Lưu Cầu là thuộc địa của mình, đặt tên là Okinawa - han. Đến năm 1879, Lưu Cầu bị sáp nhập hoàn toàn vào lãnh thổ Nhật, trở thành một tỉnh của đế chế mặt trời mọc. Ngày nay Okinawa là thánh địa của ngành du lịch Nhật Bản với một quần thể di tích thành quách, lâu đài, mộ cổ phong phú và một nền văn hóa mang đậm dấu ấn của biển.

   

Cổng phía nam của tòa thành Nakijin Gusuku.

Du khách đến Lưu Cầu chủ yếu qua cửa ngõ Đài Loan. Sau một giờ bay từ Đài Bắc, thành phố Naha xinh đẹp - thủ phủ của Okinawa, hiện ra dưới cánh máy bay. Là một đảo quốc nhỏ ở giữa hai đế chế hùng mạnh là Trung Hoa và Nhật Bản, lại bị các tiểu quốc lân bang đe dọa thường xuyên nên các triều đại cai trị Lưu Cầu (triều Tenson, triều Eiso và triều Sho) đã cho xây dựng nhiều pháo đài và thành lũy trên các ngọn núi quanh đảo, bố trí lực lượng đồn trú hùng hậu để bảo vệ vương quốc. 

Các tòa thành Nakijin, Zakimi, Katsuren, Nakagusuku, Shuri. cùng với cổng đá Sonohyan-Utaki, lăng Tamaudun, vườn Shikinaen, di tích Seifa-Utaki. ở phía nam đảo Okinawa là những chứng tích sống động của thời kỳ hoàng kim và thịnh trị của vương quốc Lưu Cầu. Quần thể di tích kiến trúc này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2000 và trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Một trong những di sản nổi tiếng của vương quốc Lưu Cầu là thành cổ Nakijin Gusuku với hai vòng thành xếp bằng đá nhìn ra biển Đông, từng là cung điện hoàng gia của vương triều Sho. Trong khuôn viên vòng tường thành dài hơn 1.500m vẫn còn dấu vết của ba ngôi đền cổ, trong đó đền thờ Hỏa thần còn khá nguyên vẹn, là nơi cư dân địa phương vẫn thường xuyên đến hành lễ.

Các nhà khảo cổ học Nhật Bản khai quật di tích này trong nhiều năm trời, phát hiện tiền cổ của Trung Hoa, Nhật Bản, phương Tây; đồ gốm của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan và cả gốm Chu Đậu của Việt Nam (có niên đại từ thế kỷ 16). Dưới chân thành Nakijin Gusuku là một dãy hàng quán, bán nhiều thứ đặc sản của Okinawa, đặc biệt là món gusuku soba, nghĩa là món “mì ở di chỉ thành lũy”, nấu với thịt heo ba chỉ, cực kỳ thơm ngon.

Sàn gỗ này là nơi du khách đến ngắm và chụp ảnh toàn bộ cảnh quan thành Nakijin.

Một điểm đến hấp dẫn khác là lâu đài Katsuren của Amawari Aji, vị lãnh chúa thứ mười đầy quyền uy của dòng họ Aji. Lâu đài nằm trên đỉnh một ngọn núi nhìn ra vịnh Okinawa nên có thể kiểm soát toàn bộ vùng cảng Okinawa và thung lũng Naha. Cũng như Nakijin Gusuku, kiến trúc thành lũy bao quanh Katsuren chủ yếu làm bằng đá xếp, không vôi vữa nhưng rất bền vững, đủ sức chống chọi với phong ba bão táp và những đợt tấn công của kẻ thù từ bên ngoài.

Amawari Aji chủ trương phát triển thương mại hàng hải với các nước lân bang. Ông đã cử thương thuyền đến các nước Đông Nam Á hay đến vùng biển Hoàng Hải để giao thương. Vì thế nơi phế tích này các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều đồ gốm sứ cao cấp của các nước Đông Á và nhiều đồ vàng bạc, ngọc trai, mã não đến từ các nước Nam Á được Amawari Aji cho mua về dùng và trang trí trong lâu đài.

Du khách đến Okinawa còn tham quan những ngôi mộ cổ nằm cheo leo nơi vách núi cạnh các cảng biển. Người Lưu Cầu xưa chôn người chết trong những chiếc quách bằng đá ở sườn núi, ba năm sau cải táng chuyển hài cốt sang các hũ sành và đặt trong những chiếc quách mới làm bằng gỗ, cũng nằm cheo leo nơi vách núi. Ngày nay, nhiều người dân Okinawa còn giữ phong tục mai táng này nhưng người qua đời được chôn vĩnh viễn trong ngôi mộ bằng đá gắn vào vách núi.

Cầu thang gỗ đưa du khách vào trong tòa thành Katsuren.

Sau một ngày thăm thú các sử tích của vương quốc Lưu Cầu, du khách thường kết thúc hành trình tham quan trong một nhà hàng để thưởng thức các món ăn vùng biển đảo, đặc biệt là các món sashimi chế biến từ mực, ốc, cá; món đậu phụ lạnh ăn kèm với cá muối và món canh rong biển. Ở Okinawa có thứ rượu gạo awamori nặng đến 60 độ, được dân bản địa coi là một đặc sản đáng tự hào. Đến đây, nếu không cụng ly và dốc cạn những giọt awamori cuối cùng, du khách sẽ không phải là những người bạn đáng tin đối với người Okinawa. Thật đấy!

Món gusuku soba bán ở dưới chân thành Nakijin Gusuku.

 
Bình luận của bạn về bài viết này
Tin cùng chuyên mục