Fushimi Inari

Ngôi đền ngàn cổng kỳ lạ ở Nhật Bản
By Thế Giới Du Lịch , 06/07/2018
Fushimi Inari

Chúng tôi đến đúng vào dịp đền Fushimi Inari tổ chức lễ hội nên không khí ở đây khá nhộn nhịp. Ở đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, bên cạnh Phật giáo ra, ngàn đời nay, người dân còn có tập quán tôn thờ các vị thần đến từ thế giới tự nhiên.

 

Thế nên, việc phối thờ Thần - Phật xuất hiện khá phổ biến ở các đền, chùa trên khắp đất nước Nhật Bản. Và có lẽ do xuất phát từ lý do đó mà nhiều người Nhật cho rằng mình vừa là Thần tử, vừa là Phật tử.

        

Và theo một số người, đây chính là nguyên nhân mà Nhật Bản được xếp vào nhóm những quốc gia có số lượng tín đồ Phật giáo cao của thế giới.

Để tìm hiểu rõ hơn về tập tục phối thờ Thần, Phật, người hướng dẫn đưa chúng tôi ghé thăm một trong những ngôi đền Thần đạo nổi tiếng không chỉ vùng Kansai mà khắp nước Nhật, đó là đền Fushimi Inari hay còn gọi là ngôi đền ngàn cổng.

Dấu chỉ đầu tiên cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa Thần đạo và Phật giáo ở khu đền Fushimi Inari chính là hệ thống cửa hàng bán đồ lưu niệm kéo dài hàng cây số.

Nếu như những lá bùa may mắn, một trong những vật thiêng trong các ngôi chùa Nhật Bản, đại diện cho Phật giáo mang phong cách Nhật thì những chiếc mặt nạ, búp bê hình con cáo chính là đại diện cho sự linh thiêng của thần đạo Shinto Nhật Bản.

Chúng tôi đến đúng vào dịp đền Fushimi Inari tổ chức lễ hội nên không khí ở đây khá nhộn nhịp.

Phía trước cổng chính dẫn vào đền, những người tổ chức lễ hội cho bố trí một hồ nước nhân tạo và một bức tượng Phật nhỏ để người dân làm nghi thức tẩy trần, tắm Phật cầu cho quốc thái dân an, gia đình an khang thịnh vượng. Ngoài ra còn có một hệ thống chuông dây, một vật thiêng đặc trưng của Phật giáo Nhật Bản, để người dân tự mình gióng lên những hồi chuông hạnh phúc.

Và đây chính là những dấu chỉ tiếp theo cho thấy Thần đạo và Phật Giáo, hai tôn giáo chính ở đất nước mặt trời mọc, có một sự pha trộn và hòa hợp lẫn nhau khá thú vị.

Như đã nói, đền Fushimi Inari là ngôi đền Thần đạo, nên về mặt kiến trúc lẫn thờ tự những vị thần của tôn giáo này luôn chiếm vai trò chủ đạo và yếu tố Phật giáo chỉ mang tính chất bổ sung.

Theo ước tính, hiện có khoảng 40 ngàn ngôi đền Thần đạo nằm trải khắp đất nước Nhật Bản và con số thần được thờ lên đến hàng ngàn.

Thông thường, các linh vật được phong thần và thờ tự thường liên quan đến nghề nghiệp hoặc nhu cầu của sống của người dân bản địa.

Trước khi đặt chân đến ngôi đền Fushimi Inari huyền thoại, chúng tôi có dịp đi ngang một làng chài ven biển Nhật Bản.

Ngoài thần cáo ra, ngư dân ở ngôi làng chài này còn thờ cả thần cua, thần cá, thần tômĐây chính là bằng chứng cho thấy sự đa dạng trong tín ngưỡng thờ thần của người dân Nhật Bản.

Trong số hàng vạn vị thần được thờ trong các ngôi đền Thần Đạo, nữ thần Inari với hiện thân là con cáo trắng, là vị thần tiêu biểu và có mặt hầu như ở khắp các ngôi đền.

Theo truyền thuyết, nữ thần Inari là thần bảo hộ cho lúc gạo và rượu sake, hai đại diện chủ đạo cho nền văn hóa lẫn thương mại của Nhật Bản từ hàng trăm năm trước.

Tuy nhiên, chỉ có ở ngôi đền Fushimi Inari, linh vật này được tôn thờ một cách trang trọng nhất.

Cáo trắng là biểu tượng linh thiêng trong các ngôi đền.

Vì sao người ta chọn cáo trắng làm linh vật?

Với nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có người Việt chúng ta, con cáo đại diện cho sự gian trá và xảo huyệt. Tuy nhiên, đối với người dân Nhật Bản, cáo đại diện cho sự linh hoạt, cần mẫn và thông minh, những yếu tố mà theo người Nhật Bản, có nét tương đồng với dân tộc mình. Và đó là lý do mà linh vật cáo trắng được chọn làm hóa thân của nữ thần Inari huyền thoại.

Trở lại với khu đền Fushimi Inari.

Theo các tài liệu còn lưu lại, đền Fushimi Inari được xây dựng năm 711 trên ngọn đồi mang tên nữ thần Inari.

Tuy nhiên, do nhu cầu tín ngưỡng ngày càng cao của người dân, năm 965, ngôi đền được dời xuống chân đồi Inari và tồn tại ở vị trí này cho đến ngày nay. Cũng như tất cả đền thờ thần Inari, ngôi đền Fushimi có một ngôi chính điện sơn màu đỏ thẳm được nối liền với dãy hành lan có hai hàng cột hai bên dài hun hút, được sơn màu đỏ son vô cùngấn tượng.

Theo truyền thống nghìn đời, trước mỗi mùa vụ, nông dân ở khu vực cố đô Kyoto đến Fushimi Inari để cầu khấn cho mùa vụ tươi tốt. Về sau, khi nước Nhật vươn lên trở thành một cường quốc công nghiệp, trong dòng người đổ về ngôi đền huyền thoại này còn có giới doanh nhân giàu có.

Và một khi mọi sự mua bán làm ăn được hanh thông, các chủ doanh nghiệp tạ ơn thầ Inari bảo hộ bằng cách cúng dường hiện kim đủ để dựng nên một cổng torii gỗ tuyết tùng phủ sơn màu đỏ son chói.

Cứ thế, qua thời gian, Fushimi Inari không chỉ có vài ba cổng torii như các đền thờ Thần Đạo khác, mà có đến hơn 10.000 cổng torii nhỏ nối tiếp nhau rải thành một đường ống dài khoảng 4km uốn lượn theo triền núi sau đền.

Vì sao vật phẩm cúng thần lại là những chiếc cổng torii?

Trong tín ngưỡng của Thần Đạo, chiếc cổng torii mang ý nghĩa tượng trưng cho mốc không gian chuyển tiếp giữa thế giới phàm trần và cõi linh thiêng hay nói một cách khác đây chính là cửa ngõ để đi vào thế giới của thần linh.

Và đó là lý do mà những chiếc cổng với màu đỏ đặc trưng cứ thế tăng lên, trở thành một nét đặc trưng rất riêng của ngôi đền Fushimi Inari huyền thoại, nơi mà dấu ấn về sự giao hòa giữa Thần đạo và Phật giáo cứ thế tồn tại từ ngàn đời nay.

 
Bình luận của bạn về bài viết này
Tin cùng chuyên mục