Hội An - Thị trấn rực ánh đèn lồng

By , 19/06/2013
Hội An - Thị trấn rực ánh đèn lồngNhững dãy cửa hàng trong những ngôi nhà mái ngói kiểu Trung Hoa và những bức tường sơn vàng ẩm rêu dọc theo những lối đi nhỏ hẹp. Những chiếc đèn lồng đỏ treo dưới những mái hiên cũ kỹ với những dây leo rũ xuống từ bên trên. Những chiếc xe kéo hai màu vàng xanh đậu bên con đường rộng kiểu xưa và những cô hàng rong đội nón lá bước thong dong với đôi quang gánh đầy trái cây trên vai. Bên bờ sông, những cụ già chèo chiếc thuyền gỗ chờ kéo lưới.


Hội An đấy, thành phố cổ xưa phảng phất nét duyên của một thế giới xưa cũ, mời gọi những người thích du lịch dành thời gian khám phá. Nằm bên bờ sông Thu Bồn, Hội An từng là một thương cảng quốc tế vào thế kỷ 17 – những thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản và Âu Châu từng tụ về đây. Dấu vết của họ còn lưu lại ở những tòa kiến trúc trong Phố Cổ. Vào thế kỷ 18, người ta xem Hội An là điểm đến tốt nhất để giao thương với toàn Đông Nam Á. Người Nhật tin rằng trái tim của châu Á nằm bên dưới thành phố này. Nhờ những phương thức đặc biệt mà các phong cách kiến trúc ở Hội An được bảo tồn rất tốt, do đó thị trấn đã được UNESCO phong danh hiệu Di sản văn hóa thế giới.

Một khi đã đến nơi này, bạn sẽ hiểu ngay tại sao. Bạn sẽ thấy rất rõ vẻ đẹp của Hội An: từ những công trình lớn thuộc thế kỷ 17 đến những khu chợ sầm uất và bờ sông thanh vắng. Thành phố này mang một nét tinh tế hiếm có. Rất tự nhiên, nó thu hút một lượng lớn du khách bởi chính “cái riêng phố cổ”. Mấy ngày trước, tôi-Nellie Huang (Singapore) cùng bạn bè đã lang thang qua những ngôi chùa, đền thờ, ngõ hẻm và khu phố đi bộ. Bạn hãy cùng ngắm những cảnh mà tôi thích nhất nhé.

Chùa Cầu

Điểm nhấn ở trung tâm Phố Cổ là Cầu Nhật Bản, hay Chùa Cầu. Đây là một chiếc cầu nhỏ nhưng đậm chất lịch sử, được xây dựng vào năm 1593 bởi cộng đồng người Nhật. Bắc qua một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn, câu cầu cổ này được lợp mái ngói rất xưa và có một đền thờ nhỏ bên trong, được tô điểm trên sàn gỗ và những bức tượng thờ đã cũ. Người ta nói cầu được khởi công vào năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất nên một đầu của câu cầu được canh giữ bởi hai chú khỉ gỗ và đầu kia là hai chú chó.

Chùa Cầu trong đêm

Có hàng trăm ngôi chùa và hội quán được những người Trung Hoa tha hương xây dựng cùng với người Việt. Một trong những ngôi chùa nổi bật nhất là chùa Quan Công, được phong “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” vì cả bên trong và bên ngoài đều được bảo tồn rất tốt. Những hội quán được xây đựng làm nơi để người Trung Hoa tụ tập với nhau và tổ chức họp mặt. Chúng thường được đặt tên theo quê nhà của những thành viên, như là Quảng Đông hay Phúc Kiến. Hội quán Quảng Đông được xây năm 1885. Nổi bật với những bức tranh tường tỉ mỉ và những vòng hương lớn, nó trông tương tự như một ngôi chùa. Nhìn vào phía sân sau, bạn sẽ thấy những bức tượng rồng nhiều màu sắc.

Xưởng thủ công mỹ nghệ

Được đặt trong một ngôi nhà Trung Hoa đã 200 tuổi, bạn nên thăm Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An chủ yếu vì buổi trình diễn văn hóa (từ 10:15 sáng đến 3:15 chiều) của những ca sĩ, vũ công và nhạc công chơi nhạc truyền thống. Buổi diễn cung cấp một khái niệm thú vị về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Ở sân sau, bạn có thể xem qua hàng ngàn chiếc đèn lồng, tranh thêu lụa và đồ gốm được làm bởi những nghệ nhân địa phương.

Chợ Trung Tâm

Khu chợ Trung Tâm ồn ã là một mớ hỗn độn màu sắc, tiếng ồn và mùi vị. Giữa những quầy hàng, bạn sẽ thấy những cô bán hàng bán gia vị, ớt đỏ, nhộng, rau muốn, đồ mặc ở nhà và rất nhiều những đồ lưu niệm. Thời điểm đi chợ tốt nhất là vào sáng sớm, trước 7 giờ sáng, khi bến thuyền đầy những ngư dân đang dỡ lưới.

Những quầy hàng rong

Chúng ở khắp mọi nơi trên đất Việt Nam, đặc biệt là ở Hội An – những quầy hàng tạm, bày bán những chiếc bánh mì tươi và bún, với ghế đẩu và bàn nhựa lộn xộn xung quanh. Tự thân việc ngồi trên những chiếc ghế nhỏ xíu ấy, ăn một tô phở bằng đũa gỗ đã là một trải nghiệm. Có mấy dãy hàng quán ở đường Bạch Đằng cạnh sông và trong những ngõ nhỏ dẫn ra đường Trần Phú. Đêm xuống, ánh sáng lấp lánh của những chiếc đèn lồng đầy màu sắc ở khắp thị trấn khiến bữa tối tại những hàng quán ấy càng đậm không khí hơn. Hội An đặc biệt nổi tiếng với hai đặc sản: cao lầu – một món bún dai dai ăn cùng thịt nướng, vài món chiên và sủi cảo – bánh hấp với tôm gói trong bột trắng, chấm nước mắm cay.

Đồng lúa ở vùng nông thôn

Ra khỏi thị trấn trên những chiếc xe máy thuê chỉ với giá 5 đô một ngày, chúng tôi nhanh chóng đến vùng ngoại ô được bao quanh bởi những cánh đồng màu xanh ngọc. Cảnh vật hai bên đường rất nên thơ – những cụ già đội nón lá khom lưng làm việc trên đồng, thanh niên dắt trâu đi xuyên qua màu xanh suốt ấy trong khi trẻ con chạy chơi thả diều giữa đồng. Cánh đồng lúa trải dài bất tận và vùng thôn quê của Việt Nam chỉ cách thị trấn ồn ào có mấy phút đi xe.

Thuyền và đồng lúa


Hội An đã ghi một dấu ấn sâu sắc trong ký ức tôi với cử chỉ dịu dàng và vẻ đẹp thơ mộng của mình. Sau đó chúng tôi đến Huế và tôi tự hỏi Huế sẽ so sánh thế nào với Hội An xinh đẹp. Có thành phố hay thị trấn nào đã khiến bạn cảm thấy như tôi chưa?

Nellie Huang (Singapore)
Bình luận của bạn về bài viết này
Tin cùng chuyên mục