Mây tuyết Hoàng Liên Sơn
Dãy Hoàng Liên Sơn mờ xanh trong nắng bật nổi những chòm mây trắng tinh khiết như bông như tuyết vờn nhẹ lưng núi. Vừa ngoảnh nhìn nơi khác, quay lại, đã thấy đám mây tuyết kia đổi dạng lúc nào. Ngoài sự hùng vĩ, Hoàng Liên Sơn chập chùng xa ngút ngắt xoá mất chân trời tạo nên sự huyễn hoặc giữa núi non và mây trời. Theo con đường tráng nhựa rộng rãi cách thị trấn Sa Pa 14 km bạn sẽ đến khu du lịch Núi Xẻ thuộc vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, nằm trên địa phận hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Cảnh quan giữa núi và mây càng thêm huyền ảo.
Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, rộng 26.476 hecta, là nơi đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, có khí hậu nhiệt đới và á ôn đới, có đỉnh Fansipan. Khu du lịch Núi Xẻ là một trong vài điểm xuất phát lên đỉnh Fansipan. Đầu con đường lên đỉnh núi được gọi là “Nóc nhà Đông Dương” nầy là suối Vàng và thác Tình Yêu (San Sả Hồ, Sa Pa, Lào Cai) thuộc khu du lịch Núi Xẻ. Con đường bậc thang lót đá dài hơn một cây số thoai thoải dễ đi, khi lên cao lúc xuống thấp giữa ngàn cây lá che rợp, với nào dẻ bạc lá, bồ đề cảnh, chè thummi, súm lông, giông lá tre, trúc gai, búi cây. thân bám đầy rêu.
Dù vậy khi đến Suối Vàng cũng muốn “tắt thở”. Tuy nhiên cảnh đẹp của nó giúp bạn hăng sức lên dốc cao khám phá con thác có tên gọi gợi cảm - thác Tình Yêu, cao khoảng 100 mét. Ngày đêm, thác đổ nước ầm ào, tung tỏa bụi nước khắp nơi.
Theo truyền thuyết, xưa kia các tiên nữ thường xuống đây tắm mát. Một lần, có một nàng tiên phát hiện chàng tiều phu nấu cơm bên dòng suối Vàng, đang thổi sáo. Tiếng sáo và con người chàng trai trẻ kia đã khiến nàng tiên mê đắm. Rạng sáng, nàng mới về trời. Từ đó Trời cấm các nàng tiên xuống đây. Nhớ chàng tiều phu, nàng tiên ấy buồn bã, biến thành loài chim lông vàng bay quanh đỉnh núi, với tiếng kêu: “Ô quy hồ”. da diết khuôn nguôi.
Thung lũng chợ TìnhTrước ngôi nhà thờ đá nổi tiếng của thị trấn Sa Pa có khu đất hình vuông chìm khuất bên dưới bốn con đường với những bậc thang dẫn xuống bằng đá. Đó là “thung lũng chợ Tình”. Sáng tinh mơ, bên trong thung lũng nầy đã có khá nhiều người H’Mông, Dao Đỏ, Giáy. lặng lẽ ngồi bên mớ thổ cẩm của mình chờ khách. Với cây kim cuộn chỉ trên tay, họ tỉ mẩn hoàn thành những chiếc thổ cẩm trong ánh sáng ban ngày, đáng khâm phục là cả trong ánh đèn vàng vọt tỏa mờ trong màn đêm phố núi.
Càng về chiều tối, “thung lũng chợ Tình” càng thêm nhộn nhịp. Bấy giờ, khi ánh đèn đường mờ mờ lan tỏa, những chàng H’Mông vừa thổi khèn bè vừa múa xoay như bông vụ. Tiếng khèn bè rền rền âm thanh núi rừng thê thiết buồn xa vắng, quyến rũ những thiếu nữ H’Mông cuồng say quay theo không ngưng nghỉ với chiếc dù hững hờ che mái tóc. Đêm vui kéo dài, không thể nào tìm thấy “vóc dáng” của một “Sa Pa lặng lẽ” thời nhà văn Nguyễn Thành Long làm nên tác phẩm để đời của mình. Sa Pa bây giờ nhộn nhịp không khí thị trường.
Du khách đến với Sa Pa rất đông, đông nhất vào thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ. Thị trấn Sa Pa ồn ã từ sáng cho đến đêm với mọi sinh hoạt bán mua. Các mặt hàng quần áo, nữ trang. bày bán khắp nơi, giá cao ngất ngưởng, trả giá cách nào cũng “vướng”. Những món hàng được gọi là “đặc sản” địa phương nhưng thật ra đó là những thứ được sản xuất từ bên kia biên giới - Trung Quốc.
Du khách có thể yên tâm mua mà không sợ bị hớ giá là các loại trái cây vùng Tây Bắc như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa. đựng trong các rọ nhỏ, còn có khá nhiều loại thảo được. Các món ăn uống nơi nầy cũng được bán đúng gía, khách đừng nhọc công kỳ kèo. Cơm lam 5.000 đồng/ống, ăn kèm thịt lợn cắp nách nướng 10.000 đồng/xiên. Phở cổ 35.000 đồng/bát. Trứng gà nướng 7.000 đồng/trứng. Ngô nướng 7.000 đồng/trái, chấm “súp” (muối, bột tê, bột xẻn, bột ớt và đường) ăn thơm thơm cay cay, tê tê đầu lưỡi. Rồi bánh ngô, xôi ngũ sắc.
Đặc biệt, đi đâu cũng thấy treo bảng quảng cáo gà đen, lợn cắp nách - đặc sản thứ thiệt của Sa Pa. Cả hai món nầy, ngoài luộc chấm muối vừng còn được pha chế thành vài món khoái khẩu, một thú vui ẩm thực luôn phục vụ người sành ăn. Là thị trấn vùng cao khá lạnh nên thức ăn nơi đây lúc nào cũng nóng hổi. Sảng khoái hơn, kèm theo những món ăn ngon ấy là những ly rượu san lùng nồng ấm, đã hơn hết là những cốc rượu ngô vàng đẹp mắt uống vào ngọt thơm mùi thực vật vùng cao.
Dạo một vòng thị trấn to lớn, có thể gọi thị xã, bạn không bao giờ thấy chán. Vì, nơi đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người dân địa phương hiền lành với trang phục nhiều màu sắc. Đáng chú ý là những người mua bán đều là phụ nữ. Nhiều bà mẹ trẻ - chừng 14, 15 tuổi - địu em bé trên lưng. Mới thấy, cứ tưởng là chị em, hỏi mới biết đó là con của họ. Trong khi đó, không hề thấy cánh đàn ông người H’Mông, Dao Đỏ, Giáy. giúp vợ buôn bán, chỉ thấy họ ngồi túm năm tụm ba ngất ngưởng trong quán nhạc xập xình, trên tay là những cốc bia sủi bọt vàng mật ong.
Phù Sa Lộc