Cái tên Vatican có trước khi Kitô giáo ra đời, xuất phát từ chữ La tinh Mons Vaticanus, nghĩa là ngọn đồi Vatican.
Vatican được thành lập năm 1929 theo Hiệp ước Latêranô với tư cách là hậu thân của Quốc gia Giáo hoàng, vốn rộng lớn hơn, tồn tại từ năm 756 tới 1870 sau Công Nguyên và là một nền quân chủ thần quyền.
Thành quốc Vatican và Tòa Thánh là hai thực thể riêng biệt. "Vatican" là thuật ngữ thường để chỉ lãnh thổ của một quốc gia, gắn bó mật thiết với thành phố Roma, văn kiện chính thức được ban hành bằng tiếng Ý và cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân của mình.
"Tòa Thánh" là thuật ngữ bao hàm ý nghĩa rộng lớn trên khía cạnh tôn giáo và cơ cấu điều hành trên 1,2 tỷ tín hữu trên thế giới, văn kiện chính thức được ban hành chủ yếu bằng tiếng Latin và cấp hộ chiếu ngoại giao và công vụ.
Theo Hiệp ước Latêranô, một số tài sản của Tòa Thánh nằm trong lãnh thổ Ý, nổi tiếng nhất là lâu đài Gandolfo và Thánh đường Phêrô, được trao quy chế lãnh thổ bên ngoài tương tự như các đại sứ quán.
Giáo hoàng là Quốc trưởng và là lãnh đạo chính phủ của Thành quốc Vatican, là vị vua không truyền tử, vua chuyên chế duy nhất tại châu Âu, nắm quyền lực tuyệt đối, bao gồm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với Vatican.
Giáo hoàng đồng thời là Giám mục Giáo phận Rôma và là nhà lãnh đạo Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo Rôma. Khi Tòa thánh trống ngôi, một Mật nghị Hồng y gồm các Hồng y dưới 80 tuổi được triệu tập để bầu giáo hoàng mới.
Dưới Giáo hoàng, những người đứng đầu là Thủ hiến (đồng thời là Chủ tịch Ủy ban lễ nghi), Quốc vụ khanh (đồng thời đóng vai trò ngoại trưởng) và Chưởng ấn Vatican, tất cả đều được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm, cũng như có thể bị cách chức bởi Ngài bất kì lúc nào.
Nhiều công dân mang quốc tịch Vatican nhưng lại sống ở nước ngoài (thật ra là ngay tại Rome, Italy); cộng đồng lớn nhất ở Vatican là những vị cha xứ từ khắp nơi trên thế giới đến đây sống và học tập.
Vatican có quân đội nhỏ nhất (khoảng trên 100 người, được huấn luyện bài bản, có sức mạnh, kỷ cương và là những tay thiện xạ), được thành lập từ năm 1506.
Vatican có con tem, hộ chiếu, bảng số xe, quốc kỳ và quốc ca riêng, nhưng tiền tệ là đồng Euro. Vatican có ga xe lửa với tổng chiều dài chỉ hơn 800 m, nhưng không có hệ thống thuế.
Tranh cãi giữa Ý và giáo hội công giáo tại Vatican chấm dứt năm 1929 với thỏa thuận Lateran Pacts, để Vatican độc lập với khoản tiền được chi là 93 triệu USD - nền tảng ngân khố quốc gia.
Vatican cũng có lượng cổ phần nhất định trong một số tập đoàn ở Mỹ, và có đến hơn 80% thu nhập từ các khoản đầu tư từ Mỹ và Canada. Tiền bán vé xem bảo tàng, tem và quà lưu niệm, cùng sự đóng góp của các tín đồ và tổ chức cũng là nguồn thu nhập của Vatican.
Vatican có một đài thiên văn tại lâu đài Gdandolfo và một trung tâm nghiên cứu trang bị chiếc kính viễn vọng hiện đại đặt trên đỉnh Graham, phía đông nam Arizona (Mỹ).
Bản thân Vatican là một công trình văn hóa, Thánh đường Phêrô và nhà nguyện Sistine là nơi tập hợp nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới, trong đó có những tác phẩm của những nhà nghệ thuật lừng danh như Botticelli, Bernini và Michelangelo.
Lượng của cải cất giữ trong thánh đường này cũng rất lớn, ngoài những kiệt tác nghệ thuật châu Âu còn có vô số vàng và ngoại tệ.
Thư viện Vatican là một trong các thư viện cổ nhất thế giới (chính thức thành lập từ năm 1475, dù trên thực tế nó đã tồn tại từ rất xa xưa) sở hữu 75.000 văn bản quý hiếm, xuyên suốt lịch sử.
Dù diện tích lãnh thổ và thực lực về quân sự kém nhất thế giới, nhưng ảnh hưởng về chính trị và văn hóa của Vatican sánh vai với các cường quốc hàng đầu vì đứng sau nó là 1/6 dân số thế giới (tín đồ Thiên Chúa giáo).
Năm 1984, Vatican được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Du khách đến Ý không thể bỏ qua thành Rome và một khi đến Rome, họ nhất định ghé thăm Vatican - quốc gia bé nhỏ và nhưng có sức hút bậc nhất hành tinh.