Khải Hoàn Môn tọa lạc tại đầu phía tây của Đại lộ Champs-Elysées, giữa quảng trường Étoile - khu vực tập trung khách du lịch. Năm 1616, Hoàng hậu Marie de Médicis đã cho mở một con đường dài có trồng cây hai bên để đi dạo, đó chính là đại lộ này.
Công trình do vị kiến trúc sư Jean-Francois Chalgrin (1739-1811) vẽ kiểu theo các đài chiến thắng của thành phố Rome cổ. Bốn tác phẩm điêu khắc lớn nhất là Xuất quân 1792 và Khải hoàn 1810 phía Champs-Elysées, Kháng chiến 1814 và Hòa bình 1815 phía Grande-Armée. Trong đó Xuất quân nổi tiếng hơn cả. Tác phẩm của nhà điêu khắc François Rude cao 11,6 mét, rộng 6 mét. Mặt phía trong bốn chân của Khải Hoàn Môn được trang trí bằng các bức phù điêu miêu tả những trận đánh nổi tiếng. 6 bức phù điêu, 4 phía trên các tượng đài và 2 ở các cạnh bên mô tả những giai đoạn, sự kiện của cách mạng Pháp và đế chế. Ngoài ra bề mặt Khải Hoàn Môn còn có các phù điêu nhỏ khác.
Khải Hoàn Môn có kiến trúc vòng cung lớn nhất thế giới với chiều cao 50 mét, rộng 45 mét.
Bên dưới vòm cung là phần mộ chiến sĩ vô danh của hai cuộc Thế chiến (từ năm 1920).
Vị trí của Khải Hoàn Môn là điểm giao của 12 đại lộ và ba quận. Để tới chân công trình, lối đi có tên Passage du Souvenir được xây dựng ngầm dưới quảng trường.
Khải Hoàn Môn từng được dùng làm địa điểm cho các lễ quốc táng. Lễ quốc táng lớn nhất là của Đại văn hào Victor Hugo (năm 1885). Linh cữu của ông được đặt dưới vòm cung để toàn dân Paris tỏ lòng tôn kính.
Việc xây dựng từng gặp trở ngại khi Hoàng đế Napoléon I không còn cai trị nước Pháp năm 1814, nhưng sau đó đã được hoàn thành vào năm 1836 dưới triều Vua Louis Philippe. 4 năm sau, hài cốt của Napoléon từ đảo Saint Helena được mang về Pháp, đưa qua Khải Hoàn Môn và chôn cất tại điện Invalides.
Khải Hoàn Môn được trang trí bằng nhiều phần điêu khắc nổi, đặc biệt là nhóm các hình nổi có tên "La Marseillaise" hay "Đoàn người tình nguyện ra trận" (The Departure of the Volunteers) do Francois Rude tạc vào năm 1836.
Tại đây có khắc tên của hàng trăm danh tướng đại quân Pháp thời Napoléon.
Khải Hoàn Môn đứng thứ 10 trong các công trình thu hút nhất của Paris.