Tham vọng của Napoleon là biến thủ đô của đế chế (Empire) của ông thành một thành phố đẹp nhất trên thế giới. Chính vì vậy ông đã ra lệnh thiết kế một công trình vĩ đại bậc nhất tại Paris nhằm vinh danh những chiến thắng vẻ vang của quân đội Pháp thời đó. Vào ngày 18 tháng 2 năm 1806, Napoleon đã ra sắc lệnh cho phép hoàn tất công trình xây dựng Pantheon, nơi yên nghỉ của những anh hùng đất nước Pháp, và xây dựng một Khải Hoàn Môn nằm ngay ở cửa vô trục lộ chánh của Paris, quân đội và bất cứ ai đi vào thành phố này đều sẽ đi qua cửa ngõ này. Đó là điểm bắt đầu của Khải Hoàn Môn.
Biểu tượng của lòng Ái Quốc
Khải Hoàn Môn là biểu tượng chiến thắng của quân đội, đã đi vào trang lịch sử quốc gia, khi người ta đem chôn hài cốt của Napoleon diễu hành băng ngang cổng Khải Hoàn Môn trước khi đến điện Invalides, nơi yên nghỉ của những anh hùng của đất nước Pháp vào năm 1840, trước sự hiện diện của 400.000 người ở đó. Nhưng cảm động nhất là vào năm 1921 khi chính quyền đương thời, tổ chức làm lễ long trọng để chôn hài cốt của một Chiến Sĩ vô danh, đại diện cho 300 người lính mất tích trong trận chiến tranh Verdun lúc đó, Khải Hoàn Môn có thêm một ý nghĩa đặc trưng của lòng ái quốc, và sự vinh quang ngòai ý nghĩa chiến thắng do Napoleon đề xướng ra.
Trên mộ của chiến sĩ vô danh có ghi hàng chữ này: “Đây là nơi yên nghĩ của một chiến sĩ Pháp đã bỏ mình vì Tổ Quốc“. Trên mộ có một ngọn lửa thiêng đã được đốt cháy từ năm 1923 đến nay. Suốt thời Đức chiếm Pháp trong đệ nhị thế chiến, ngọn lửa này vẫn được duy trì cháy không ngừng đến lúc nước Pháp được giải phóng. Ngày 22 tháng 5 năm 1885 linh cửu của văn hào nổi tiếng của nước Pháp Victor Hugo cũng được để ở đây một đêm trước khi được đưa về điện Pantheon, là nơi chôn cất và tôn vinh những người đã làm rạng danh đất nước Pháp.
Nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng
Khải Hoàn Môn dần dà trở thành công trình biểu tượng của nước Pháp, nơi nhiều sự kiện lịch sử quan trọng ảnh hưởng đến nước Pháp được tổ chức ở đây. Nhiều cuộc diễu hành chiến thắng đã được tổ chức ở Khải Hoàn Môn này, quân đội chiến thắng cũng diễu hành ngang qua Khải Hoàn Môn này, kể cả quân đội nước Đức vào năm 1871, quân đội nước Pháp vào năm 1918, và quân đội Đức vào năm 1940, quân đội Pháp và Đồng Minh vào năm 1944 và năm 1945. Trên tem bưu điện của Mỹ vào năm 1945, chúng ta thấy quân đội chiến thắng của Mỹ diễu hành ngang qua Khải Hoàn Môn này, và trên nền trời của Paris, máy bay của Mỹ đã bay rền trời ngang qua Khải Hoàn Môn ăn mừng chiến thắng lịch sử.
Mỗi năm cứ vào ngày 11 tháng 11, người ta lại làm lễ tưởng niệm hiệp ước đình chiến giữa Pháp và Đức vào năm 1918 tại Khải Hoàn Môn Paris. Mỗi năm cứ vào ngày 14 tháng 7, cuộc diễu hành quan trọng có tên Bastille Day Parade được tổ chức ở đây. Bastille Day là ngày người dân nước Pháp ăn mừng ngục Bastille của nền quân chủ chuyên chế đã bị phá bỏ, có nghĩa là ngày khai sinh chế độ dân chủ ngày nay của đất nước Pháp.
Ngày nay, Khải Hoàn Môn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của Paris và cùng với Champs-Elysées là nơi tổ chức các lễ hội, sự kiện hay ăn mừng các chiến thắng thể thao. Với 1.330.738 lượt khách du lịch mua vé viếng thăm vào năm 2006, Khải Hoàn Môn đứng thứ 10 trong các công trình thu hút nhất của đất nước Paris.