Trong phần dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những câu chuyện lịch sử đầy thú vị về "chú bé đứng tè" Manneken Pis và xem thử vì sao đây được xem là biểu tượng đại diện cho cả một đất nước như vậy. Thậm chí, người Bỉ còn cho rằng cậu bé chính là một vị anh hùng dân tộc.
Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là nỗ lực để tìm kiếm thông tin về nguồn gốc của biểu tượng này thực sự rất khó và câu chuyện về Manneken Pis đã từng được cho là một bí ẩn. Tuy nhiên, phần cuối của bài viết này sẽ hé lộ cho bạn sự thật về chú bé.
Các truyền thuyết về chú bé đứng tè
Sau nhiều nghiên cứu được thực hiện, các chuyên gia đã tìm ra được một số giai thoại đằng sau chú bé đứng tè này.
Truyền thuyết đầu tiên liên quan đến câu chuyện về mụ phù thủy già sống ở Rue de l'Etuve đã quyết định thực hiện một hình phạt nặng đối với một cậu bé đứng tè ngay trước của nhà của mụ, đó chính là biến cậu bé thành một bức tượng đá. Rất may là đúng lúc đó, một ông lão tốt bụng đã xuất hiện với một bức tượng khá giống với cậu bé nên khi mụ phù thủy chuẩn bị trút lời nguyền xuống chú nhóc này, ông lão đã nhanh chóng giành lấy cậu bé và đặt bức tượng vào vị trí đó.
Câu chuyện thứ hai ít phổ biến hơn có liên quan đến một cậu bé nhỏ xíu có tên là Julien. Một lần, Julien đi tè vào trước cửa nhà của một ẩn sĩ. Khi nghe thấy tiếng nước chảy, ông lão hét toáng lên và vội lao ra khỏi nhà. Khi nhìn thấy Julien, ẩn sĩ ngay lập tức làm phép biến cậu thành một bức tượng và liên tục nguyền rủa hành vi của cậu. Tuy nhiên, vì câu chuyện này khiến các em nhỏ khiếp sợ nên nhiều người đã thay đổi phần kết, đó là thêm tình tiết người bố đã thuê thợ làm một bức tượng khác giống với Julien và khi bức tượng được thay thế vào vị trí của cậu bé đã "hóa đá" thì cậu bé lại được làm người.
Câu chuyện thứ ba đưa người nghe trở về thời kỳ Thập tự chinh có liên quan đến một vị Bá tước từ Hove đã chuyển đến Brussels sinh sống cùng vợ và con trai Godefroid. Vị bá tước này thường xuyên chủ trì các bữa tiệc chiêu đãi binh lính mỗi khi giành phần thắng trong chiến trận. Một lần, ông yêu cầu Godefroid – cậu con trai 5 tuổi của mình – một đứa trẻ lanh lợi đi bộ trước các toán quân để chào đón các chiến binh. Nhưng Godefroid lúc đó hiếu động lại đi tè ngay trước đoàn quân diễu hành. Chính vì vậy, gia đình bá tước này đã quyết định xây dựng một bức tượng Godefroid đang đi tè để các chiến binh được an ủi do hành vi xúc phạm của con trai mình.
Câu chuyện thứ tư diễn ra vào thế kỷ thứ 8. Vợ của một lãnh chúa sinh hạ một em bé (được đặt tên là Manneken Pis) nhưng chú bé này lại có thói quen đi tiểu "ầm ĩ" tới mức mà nước tiểu bắn tung tóe lên bộ râu cằm của Vindicien – vị giám mục Arras. Sau đó không lâu, Vindicien qua đời nên không có địa điểm và cũng không có ai làm lễ rửa tội cho Manneken Pis. Vài hôm sau, một người phụ nữ có tên Gudule đã đến chúc phúc cho cậu bé nhưng vì cha của cậu đã có những hành vi phạm pháp nên Gudule đã quyết định trừng phạt vị lãnh chúa bằng việc tuyên bố cậu con trai Manneken Pis sẽ không bao giờ lớn được và sẽ không ngừng đi tè.
Manneken Pis - chú bé anh hùng
Vào thế kỷ 14, Tây Ban Nha (giáp với biên giới nước Pháp) là một quốc gia hùng mạnh ở châu Âu. Lúc đó, Bỉ (cũng có biên giới tiếp giáp với nước Pháp) có mối quan hệ không tốt với Tây Ban nha nên đã thường xuyên liên kết với Pháp để đối đầu với quốc gia này.
Vào năm 1367, Tây Ban Nha phái hơn 25.000 lính hải quân và lục quân tấn công nước Bỉ. Chỉ trong 2 tháng ngắn ngủi, Tây Ban Nha đã chiếm lĩnh trọn lãnh thổ của Bỉ bao gồm cả thủ đô Brussels. Muốn Tây Ban Nha rút quân, Bỉ buộc phải ký kết hiệp ước đầu hàng Tây Ban Nha và trong vòng 40 năm sau đó không được phép liên minh với Pháp. Sau vài tháng thương lượng, Tây Ban Nha cuối cùng đã rút quân về nước bắt đầu từ tháng 5/1368. Tuy nhiên, khi đến thời gian phải rút quân thì Tây Ban Nha nổi lên ý định xấu, đó là muốn dùng thuốc nổ để hủy diệt Brussels.
Những người lính Tây Ban Nha đã hóa trang thành người dân Bỉ và bí mật đem mấy vạn tấn thuốc nổ chôn giấu ở nhiều nơi của Brussels và sử dụng một kíp nổ để kích hoạt. Sau đó, toàn bộ quân đội Tây Ban Nha bắt đầu rút khỏi thủ đô Bỉ chỉ trừ lại một vài người để châm kíp nổ. Khi đường dây dẫn để châm ngòi đã được nối xong thì bỗng nhiên có một chú bé chạy đến ung dung đứng tè vào đường dây cháy chậm của quả bộc phá khiến quả bộc phá bị ướt và không thể đốt cháy được.
Manneken Pis - câu chuyện về một chú bé anh hùng
Về sau, quân đội Bỉ biết điều này đã bế cậu bé giơ lên cao và dân chúng Brussels đều ca ngợi chú đã cứu được cả thành phố Brussels. Hơn thế nữa, thời ấy nước Bỉ vô cùng nhỏ (cả nước Bỉ có hơn 1.000.000 người dân, dân số ở Brussels là 200.000 người), không phải là một quốc gia nắm hoàn toàn chủ quyền và vẫn bị quản chế bởi nước Pháp. Nếu như Brussels bị phá hủy thì cả nước Bỉ cũng sụp đổ nên cậu bé này còn được coi là "ân nhân" của toàn bộ người dân Bỉ.
Năm 1619, Jérome Duquesnoy – nhà điêu khắc vĩ đại của Bỉ đã tự tay chế tạo ra bức tượng đồng chú bé này. Sau này, người ta biết đến cậu với cái tên Julien Dillens.
Theo nhiều dữ liệu thì đây là câu chuyện có thật. Hồ sơ của nước Bỉ và Tây Ban Nha đều có ghi chép lại đoạn lịch sử này, bao gồm quá trình Tây Ban Nha sang tấn công nước Bỉ, quá trình rút quân và việc cậu bé đã làm tắt kíp nổ. Hồ sơ ghi chép ở hai quốc gia này đều khớp với nhau.
Cậu bé này hàng năm đều nhận được quần áo từ mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, cậu bé còn được gọi là "Cậu bé có nhiều quần áo nhất thế giới."