Địa điểm
Như mọi năm, lễ hội pháo hoa sẽ diễn ra ở ven sông Hàn. Đây là lần thứ 6 thành phố này tổ chức cuộc thi pháo hoa lớn, thu hút đông đảo khách thập phương cả nước và quốc tế vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nếu định đến Đà Năng đợt này, bạn phải xác định sẽ rất đông đúc.
Di chuyểnBạn có thể lưu lại Đà Nẵng trong khoảng thời gian 5 ngày, với chi phí chừng 5 - 7 triệu đồng (tùy phương tiện ôtô, tàu hỏa hay máy bay). Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjetair, Jetstar đều có chuyến bay hàng ngày đến Đà Nẵng. Tuy nhiên hiện nay không còn vé giá rẻ, bạn sẽ phải mua vé khứ hồi khoảng 3,5 triệu - 4 triệu đồng. Vì thế, hãy thử xe khách giường nằm chất lượng cao. Đà Nẵng là thành phố trung tâm nối hai đầu Hà Nội và TP HCM và đều có xe giường nằm đến Đà Nẵng, giá khoảng 450.000 đồng, thời gian di chuyển 12 tiếng.
Trong thành phố, bạn có thể thuê xe máy với giá từ 70.000 đến 120.000 đồng cho mỗi xe một ngày, tùy từng loại xe để đi thăm thú các điểm quanh phố. Bạn có thể gọi một số số điện thoại sau để được tư vấn và giao xe tận nơi: Công ty Anh Tuấn: 0905708090, Xe máy Lan Hương: 0511.3984604, 01277.127.129, Công ty Thân Thiện Nhân: 84.511.3956996, 0905860960.
Trong khuôn khổ lễ hội pháo hoa, nhiều hoạt động phụ trợ khác cũng được diễn ra như: Liên hoan giao lưu ẩm thực, trang trí ánh sáng nghệ thuật, diễu hành thuyền hoa, trình diễn và tổ chức các hoạt động thể thao biển, các chương trình ca nhạc và thời trang, trưng bày ảnh đẹp Đà Nẵng, ngày hội đọc sách, diễu hành thuyền hoa, hoa đăng trên sông Hàn, biểu diễn âm nhạc đường phố, biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch…
Ăn chơiĐà Nẵng có rất nhiều điểm đến cho bạn khám phá. Với bãi biển trải dài gần 40 km, kéo dài từ chân núi Sơn Trà đến Cửa Đại (Hội An), bạn có thể chọn bất cứ bãi tắm nào để ào xuống với biển. Không khí thành phố dễ chịu, mát mẻ quanh năm với nhiều ngày nắng giúp bạn có được những ngày nghỉ thoải mái nhất.
Ngũ Hành Sơn, một trong những điểm đến không thể bỏ qua, nằm cách thành phố khoảng 7 km, là điểm đến cho những người hành hương lễ phật. Dưới chân núi Ngũ hành là Non Nước, nơi chuyên bán các mặt hàng được làm bằng đá, từ những bức tượng Phật cho đến những chiếc vòng đeo tay xinh xắn.
Bà Nà, điểm đến dành cho những người muốn tránh nắng, nơi vẫn còn nhiều dấu tích của các biệt thự Pháp mang nhiều nét cổ kính. Bà Nà đã có cáp treo, giúp bạn đỡ vất vả khi leo lên đây bằng ôtô hoặc xe máy.
Bán đảo Sơn Trà, một địa chỉ khác của Đà Nẵng, nơi bạn có thể tìm được những nhà nghỉ yên tĩnh, phong cách và thư thái vì không gian thoáng đãng.
Hội An - thành phố di sản nằm cách Đà Nẵng hơn 30 km theo dọc đường biển, là một địa chỉ bạn không nên bỏ qua khi có thời gian ở Đà Nẵng từ 2 ngày trở lên. Bạn có thể đi Hội An buổi sáng và quay lại Đà Nẵng vào chiều tối hoặc ngủ ở Hội An một đêm để xem lễ hội hoa đăng vào rằm và mùng 1 hằng tháng.
Biển Lăng Cô, thuộc địa phận Thừa Thiên Huế, nhưng chỉ cách TP Đà Nẵng khoảng 30 km. Nếu đã quá quen thuộc với Đà Nẵng, bạn có thể trải nghiệm cảm giác mới bằng việc thuê xe máy, phóng lên đèo Hải Vân và nghỉ một đêm ở Lăng Cô trước khi về lại Đà Nẵng xem pháo hoa. Còn nếu bạn đi ôtô, qua hầm Hải Vân sẽ nhanh và tiện hơn rất nhiều.
Bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng, nơi lưu giữ rất nhiều những di tích của những tháp Chăm hơn 1000 năm tuổi quanh khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng.
Chợ Cồn, chợ Hàn những khu chợ nhộn nhịp với nhiều mặt hàng phong phú, các loại đặc sản vùng biển thơm ngon đều có bán tại chợ.
Nghỉ ngơiĐà Nẵng có tất cả các loại phòng nghỉ dành cho người nhiều tiền hay người ít tiền. Với một du khách đi bụi, hãy đi qua cầu sông Hàn để tìm những nhà nghỉ có giá từ 150.000 đến 300.000 đồng. Với các gia đình, hãy chọn các khách sạn trong phố, tiện cho việc đi lại và mua sắm với mức giá từ 350.000 đến 600.000 đồng. Với những vị khách thích được nghỉ ngơi trong điều kiện tiện nghi hoàn hảo, hãy chọn các khu resort nằm dọc theo đường biển với mức giá từ 1 triệu đồng trở lên. Bạn nhất thiết phải đặt trước vào dịp ngày lễ này để đảm bảo có chỗ nghỉ ngơi.
Ẩm thựcHải sản là món ngon không thể bỏ qua khi đến với Đà Nẵng, các quán hải sản có mức giá dễ chịu và nhiều món hải sản tươi ngon, tập trung trên bãi biển phía đường Trường Sa và Hoàng Sa.
Bánh tráng cuốn thịt heo quán Mậu, 35 Đỗ Thúc Tịnh, bánh tráng Trần số 4 Lê Duẩn.
Hải sản bà Thôi 1: 98-100-102 Lê Đình Dương – Hải Châu, quán Hải Sản Bà Thôi 2: KDC Mở Rộng 2 – Đường Hoàng Sa – Sơn Trà.
Bún chả cá gia truyền 109 Nguyễn Chí Thanh – quận Hải Châu.
Bánh xèo bà Dưỡng trong kiệt 11 (ngõ/hẻm 11) phố Hoàng Diệu, địa chỉ mới: K280/23 Hoàng Diệu.
Bún mắm bà Thuyên ở K424/03 đường Lê Duẩn, đối diện chi nhánh MobiFone và Nguyễn Thị Minh Khai.
Bánh canh cá lóc Thanh Hương: 130 Lê Đình Dương; Bánh canh cá lóc Nhất Vang: 241 Hoàng Diệu; Bánh canh Minh Nguyệt: 8 Yên Bái; Bánh canh Nga: 193 Đống Đa.
Cao lầu và cơm gà Hội An ở Đà Nẵng – Cơm gà Hồng Ngọc: 193 Nguyễn Chí Thanh; 267 Thái Thị Bôi, Đà Nẵng (đường Hà Huy Tập quẹo vào).
Bánh tráng tương, báng tráng đập Bà Tứ: 354 Lê Duẩn.
Quán bún mắm nem tai – bún mắm Ngọc, địa chỉ: số 20 Đoàn Thị Điểm.
Cháo đêm (trứng muối, thịt, ruốc…) trên đường Phan Châu Trinh gần nhà hát Trưng Vương; cháo lươn ở gần chỗ bán ốc hút đường Lê Duẩn.
Bún bò Huế bà Thương đã có 20 năm nằm trên đường Trần Quốc Toản (gần ngã tư đường Yên Bái và Trần Quốc Toản).
Bê thui Cầu Mống bà Ngọc 228 Đống Đa, 99 Ông Ích Khiêm.
Nguồn : Ngoisao