Điểm đến đầu tiên là Taisan-ji. Đây là một ngôi chùa Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ thứ 8, với gian chùa chính hoàn thành vào thế kỷ 13 được công nhận là quốc bảo của nước Nhật bởi kiến trúc cổ xưa tỉ mỉ phản ánh chiều dài lịch sử Phật Giáo ở đất nước này.
Ấn tượng đầu tiên về ngôi chùa là sự choáng ngợp về không gian bao la, thanh tịnh đến kì lạ. Nếu bạn đang học tập hay làm việc ở Kobe, mỗi khi cảm thấy mệt mỏi dưới áp lực công việc hay học tập, bạn có thể tìm đến Taisan-ji và hòa mình vào với thiên nhiên nơi đây.
Gian chính được công nhận là quốc bảo của nước Nhật
Cách đến: Từ Sannomiya đi subway Seishin-Yamate Line đến ga Myodani, tiếp theo đi bus đến trạm Taisan-ji.
Tiếp theo, mình đến Nadeshiko-no-yu, nơi tắm nước nóng chỉ cách Taisan-ji vài bước đi bộ. Các bạn hẳn đã biết đến hình thức tắm onsen ở Nhật, mọi người khi đến đây, sau khi tắm sạch bằng vòi sen sẽ vào ngâm mình cùng nhau.
Nadeshiko-no-yu không phải là nơi nổi tiếng với khách du lịch, nhưng khi đến đây bạn sẽ phải ngạc nhiên (đặc biệt nếu bạn không quen với việc tắm chung với người khác) với việc nhiều người Nhật, nhất là người lớn tuổi, xem nơi tắm chung là nơi để gặp gỡ và trò chuyện với bà con lối xóm. Sau đó, tìm đến Kobe winery, một cơ sở sản xuất rượu vang của thành phố Kobe.
Ở nơi đây không chỉ có giới thiệu về quy trình sản xuất rượu vang, mà ngay trong khuôn viên còn có một khoảnh sân rất rộng rãi, thoáng mát, bên cạnh đó còn có khu vực để tổ chức picnic hay tiệc nướng barbeque với gia đình và bạn bè.
Buổi trưa ăn tại nhà hàng ngay tại cơ sở này. Khách du lịch có thể gọi quiche, một loại bánh custard mặn có đế, làm chủ yếu từ trứng, phô mai, một số loại rau, thịt hoặc cá. Quán có không gian khá rộng, trang trí mang phong cách châu Âu nhẹ nhàng, và giá cả tương đối hợp lý.
Điểm đến tiếp theo chính là công ty sản xuất bánh kẹo Glico nổi tiếng với 2 dòng bánh kẹo rất được ưa chuộng là Pretz và Pocky. Ở Việt Nam không có nhiều nơi cho phép người dân đến tham quan quy trình sản xuất của nhà máy, vậy nên nếu có cơ hội thì việc đến tham quan một nhà máy sản xuất ở Nhật, tìm tòi học hỏi cũng là một trải nghiệm thú vị. Ngoài ra, còn có trưng bày về các giai đoạn phát triển của công ty Glico, thông qua đó tái hiện một phần khung cảnh nước Nhật thời bấy giờ.
Đáng tiếc là ở đây hạn chế việc chụp hình nên không thể giới thiệu cụ thể về các quy trình sản xuất, nhưng nếu các bạn có hứng thú tìm hiểu về dây chuyền làm ra những que bánh Pocky hay Pretz thơm giòn, thì có thể đăng ký tham quan bằng cách gọi điện thoại hoặc đăng kí qua trang web của Glico.
Ở Kobe có 3 cảnh đêm nổi tiếng nhất mà ai đã từng sinh sống ở thành phố cảng này đều phải ghé thăm ít nhất một lần: cảnh ở cảng Kobe, cảnh nhìn từ núi Maya xuống thành phố, và cảnh cây cầu treo dài nhất thế giới bắc qua biển để nối từ quận Tarumi đến đảo Awaji. Trước khi quay lại trung tâm Sannomiya, khách du lịch có thể ghé công viên Maiko, đây là nơi gần nhất để có thể tiếp cận được với cây cầu treo Akashi-kaikyo-oohashi này. Mùa đông không hẳn là mùa thích hợp để ra biển hứng gió, nhưng cũng là mùa vẻ đẹp huyền ảo của cảnh đêm được cảm nhận rõ ràng nhất. Giữa hương vị biển, tiếng sóng vỗ bờ, những cơn gió biển lạnh, hiện lên trong màn đêm hình dáng đồ sộ, sừng sững của cây cầu kéo dài từ đầu này của quận Tarumi đến tận đảo Awaji.
Buổi tối ăn ở khu Sannomiya, và bởi vì tháng 12 lành lạnh rất hợp để ăn lẩu, mình đã hẹn bạn đến quán lẩu Hàn Quốc cách ga Hankyu Sannomiya 5 phút đi bộ.
Quán có cách trang trí lịch sự nhưng ấm áp và rất dễ thương, đặc biệt nhân viên của quán rất vui vẻ niềm nở, và các món ăn hợp khẩu vị người châu Á. Nếu bạn có niềm đam mê đối với ẩm thực Hàn Quốc, thì phong cách phục vụ cũng như chất lượng thức ăn ở quán chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng.
Thế là kết thúc một ngày đi chơi dài khám phá phía Tây thành phố Kobe, mệt nhưng đầy thú vị.