Từ thuở hoang sơ của mình, chính cái thung lũng có xuân, hạ, thu, đông trong mỗi một ngày đêm này đã sản sinh mận Tả Van và đào Sa Pa nổi tiếng. Vào mùa xuân, Sa Pa làm say lòng người bằng vô vàn cánh hoa đào khoe sắc hồng thắm trên triền núi, vực khe, lòng thung, đường lên điểm cao nhất của “nóc nhà Đông Dương” là đỉnh Phan-Xi-Păng, khắp dãy Hoàng Liên Sơn.
Từ đỉnh Hàm Rồng có thể chiêm ngưỡng cái thị trấn được hoa đào vây quanh từ trên cao xuống dưới thấp bởi những vườn đào tiếp vườn đào hoặc bằng phẳng như chiếu trải hoặc bám vào sườn non mà cao dần lên tạo thành tấm thảm hồng thắm khổng lồ. Khi đào trẩy hoa, các cô gái Mông đi chợ Sa Pa với những chiếc váy sặc sỡ được xếp nhiều nếp cứ xòe ra như sóng lượn theo bước chân. Những cô gái ấy, trong đêm xuân náo nức là điểm đến của tiếng khèn dìu dặt, điệu đàn môi tha thiết gọi bạn tình cứ nồng nàn, xao xuyến và quấn quýt: "Ta muốn sống với em như đôi chim gáy, ta muốn sống với em như đôi chim cu".
Chợ trời giữa lòng thị trấn Sa Pa.
Trong mùa xuân, thời gian ở nơi này được tính bằng những phiên chợ kết đôi vùng cao, sự rộn ràng của tết nhảy, nhịp ném còn với bắn cung và bắn nỏ, tiếng hót của hoàng yến và họa mi theo các chàng trai cưỡi ngựa đến những nơi bao giờ cũng đọng lại trong tâm hồn nỗi chuếnh choáng trọn đời.
Một cách lặng lẽ, Sa Pa là nơi truyền vào lòng người tình yêu cùng sự tôn trọng thiên nhiên trong từng khoảnh khắc. Tại đây, điều đó xảy ra thật tự nhiên và thân thiết trong tâm cảm khi con người ngắm ngọn núi có dáng vẻ mềm mại của một con rồng đang uốn lượn, trong lúc bâng khuâng giữa những đám mây bồng bềnh vờn quanh, vào phút ngẩn ngơ nhìn dòng nước thác Bạc như từ trời cao đổ xuống và rồi theo nó mà đến thung lũng Mường Hoa để đọc trên hàng trăm phiến đá hoa cương ở đó những điều mà từ thời cổ đại, con người của các dân tộc Mông, Giáy, Tày, Dao, Xá Phó. hiểu ra từ sông suối, ruộng bậc thang, núi non, mặt trời, bản làng.
Thung lũng Mường Hoa.
Hiện thực mênh mang và gợi cảm đó thôi thúc con người khám phá những cánh rừng sa mu xanh thẳm đượm mùi thơm se sắt tỏa ra từ những tán lá duyên dáng hình nón cứ mãi rì rào với cơn gió xinh; làm quen với những ngôi nhà mờ ảo trong sương có vườn thược dược, cụm cẩm chướng, giậu cúc, luống hồng, hàng mận trắng; nâng chén rượu San Lùng bên bếp lửa bập bùng trong đêm lành lạnh ngát mùi cơm ngô và cá suối mà say nụ cười ấm áp màu thổ cẩm; nghe trong làn gió núi âm thanh xào xạc của những tàng tùng trầm tư, thân trúc mảnh khảnh chờ đón những bông tuyết đầu mùa rồi lại đến.
Cứ thế dần hiểu tại sao những loài hoa đỗ quyên, cây đỗ trọng, linh chi, xuyên khung, thảo quả, đẳng sâm khiến nhiều người vượt núi băng rừng đi tìm. Và, trên những nẻo đường tìm kiếm các loại dược liệu quý đó ở Sa Pa, con người vẫn thường gặp những hang động đẹp kỳ ảo, các loài chim và thú quý hiếm.
Những cung bậc sơn cước Sa Pa.
Trên đèo Ô Quý Hồ, rừng đào bạt ngàn sẽ làm nguôi tan niềm luyến tiếc những cánh rừng pơ mu, rừng thảo quả ở Tả Văn, Séo Mí Tỷ cùng những con đường mòn lòa xòa hoa dại níu bước chân ở Tả Phìn bởi hoa đào nở tưng bừng trên sườn núi tựa màu má hồng của thiếu nữ ở Hầu Thào và Nậm Sài đang dệt thổ cẩm đằng sau khung cửa, của người con gái trong lần hò hẹn bên gốc sa mu và rặng mận quyến luyến tiếng đàn môi chung tình thủ thỉ. Những thiếu nữ ấy đang dệt chiếc khăn của đời mình với một tấm chân tình: "Vì yêu anh, em dệt khăn này, lòng em nhớ người em tặng, dù xa nhau bao tháng ngày, khăn vẫn bên người" và "em chờ đến ngày anh trồng xong lúa, trồng xong nương ngô anh đón em về".
Cùng với những làn mây và bông tuyết trắng, sắc đào hồng thắm, trái mận tươi giòn, bồi hồi kèn lá, rộn ràng vó ngựa, e ấp nụ cười sơn nữ, xốn xang lời hát trao tình bên ánh lửa, sau hơn trăm năm tuổi tác, Sa Pa vẫn gọi và níu hồn người. Và đến mai sau.
Nguồn : TBKTSG Online