Thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) chịu ảnh hưởng lớn bởi nhiều cường quốc, người dân từ nhiều nền văn hóa. Hagia Sophia ban đầu là Vương cung thánh đường của Chính Thống giáo Đông phương, sau đó trở thành nhà thờ Hồi giáo. Hiện nay công trình là một bảo tàng gần trung tâm thành phố.
Hàng triệu khách du lịch tới Hagia Sophia mỗi năm để chiêm ngưỡng kiến trúc có một không hai và nội thất tuyệt đẹp, đồng thời nghe câu chuyện về những nền văn minh từng hiện diện nơi đây.
Hai vương cung thánh đường từng xây tại khu vực này trước khi tòa nhà hiện tại được dựng lên, đó là Thánh đường của Constantius II và Thánh đường của Theodosius II. Năm 532, không lâu sau sự sụp đổ của thánh đường thứ hai, Hoàng đế Justinian I của đế quốc Byzantine yêu cầu xây dựng một nhà thờ công phu hơn.
Nhà thờ Hagia Sophia mở cửa vào năm 537, do tổng giám mục Chính Thống giáo Đông phương ở thành Constantinople tiếp quản. Nơi này nhanh chóng rơi vào tay Giáo hội Công giáo La Mã (từ năm 1204 đến 1261) trong cuộc Thập tự chinh. Năm 1453, Hagia Sophia trở thành nhà thờ Hồi giáo của hoàng gia khi đế quốc Ottoman chiếm được thành phố. Năm 1935, nó bị thế tục hóa và chuyển thành bảo tàng như hiện nay.
Phần lớn cấu trúc sơ bộ của Hagia Sophia cho thấy sức sáng tạo của người Byzantine. Mái vòm nhà thờ được hỗ trợ chỉ bằng bốn khung cong. 40 cửa sổ đặt theo hàng trên mái không chỉ để thu ánh sáng tự nhiên mà còn giúp giảm trọng lượng của mái vòm lên cấu trúc tổng thể.
Những nền văn hóa tiếp theo cũng để lại dấu ấn trên Hagia Sophia. Chẳng hạn, bốn ngọn tháp lớn nổi tiếng là một thiết kế nổi bật của Hồi giáo.
Câu chuyện về những bức khảm công phu
Nhiều bức khảm gốc của đạo Thiên chúa đã bị phá hủy khi Hagia Sophia cải tạo thành nhà thờ Hồi giáo, hoặc được các chiến binh thập tự chinh mang tới Italy. Nhưng một số được phát hiện khi công trình trùng tu thành bảo tàng. Những tác phẩm nghệ thuật này được bảo toàn hàng thế kỷ phía sau lớp trang trí họa tiết Hồi giáo công phu.
Đặc biệt nhất trong số đó là bức tranh khảm Deesis có từ cuối thời kỳ Công giáo, bởi miêu tả Chúa Jesus như một người khác. Một số nhà nghiên cứu tin rằng nhà triết học Hy Lạp Apollonius của xứ Tyana ngồi ở vị trí của Chúa. Theo giả thuyết này, Chúa Jesus là hư cấu, và Apollonius được dùng làm hình mẫu cho những câu chuyện.
Loại nước chữa bách bệnh
Khi Hagia Sophia trở thành bảo tàng, nhiều du khách đổ tới đây để uống nước từ hai chiếc giếng, được ca ngợi có sức mạnh chữa bệnh theo ý muốn. Theo lời đồn, nếu bạn uống nước từ giếng trong sảnh chính ba lần liên tiếp vào thứ bảy, bạn sẽ được chữa khỏi bệnh.
Một khu vực khác tên là “cột đổ mồ hôi” khiến du khách tò mò, bởi nó luôn ẩm ướt, thậm chí trong những ngày nóng nhất. Dưới chân cột có một chiếc lỗ, nhiều người đặt tay vào đó với hy vọng được chữa lành. Câu chuyện có thể là thật hoặc hoang đường, nhưng nhiều du khách vẫn muốn thử.