Bảo tàng sáp Singapore - giả như thật

By , 03/05/2013
Bảo tàng sáp Singapore - giả như thậtĐến đảo quốc Singapore chắc chắn du khách không thể bỏ qua một địa chỉ tham quan hấp dẫn nằm trên đảo Sentosa, đó là bảo tàng sáp Images of Singapore. Những bức tượng có kích thước bằng người thật, với những tư thế và động tác như đời sống sinh hoạt hàng ngày, thật sinh động.

 Trước khi tham quan bảo tàng, khách được mời vào căn phòng chiếu phim. Căn phòng nhỏ, ấm áp, bên trên màn hình là chân dung của 4 người đàn ông đại diện cho 4 sắc tộc đang sinh sống tại Singapore gồm: người Trung Hoa, người Mali (Mã Lai), người hồi giáo và người Anh. Khách đang háo hức chờ xem phim, đột nhiên 4 bức chân dung trước mặt cử động. Bằng kỹ xảo phối hợp giữa âm thanh, hình ảnh và ánh sáng, 4 nhân vật lần lượt kể lại câu chuyện về lịch sử hình thành đất nước Singapore và ngành hàng hải thịnh vượng của đất nước này. Minh họa cho câu chuyện của các nhân vật là một bộ phim hoạt hình ngắn tái hiện câu chuyện truyền thuyết về chàng hoàng tử Sang Nila Utama – người đã có công phát hiện và khai phá đảo quốc Singapore. Chuyện kể rằng, chàng hoàng tử Sang Nila Utama trên đường đi qua một vùng biển lạ gặp một cơn cuồng phong. Đúng lúc sóng to gió lớn, tàu sắp chìm, hoàng tử không biết xử trí thế nào bèn quăng chiếc vương miện xuống biển, bất ngờ có một sinh vật lạ đầu sư tử mình cá hiện lên và lập tức trời yên biển lặng. Chàng hoàng tử quyết định ở lại hòn đảo này và đặt tên cho hòn đảo là Singapura (thành phố sư tử). Singapura được ghép từ 2 chữ có nguồn gốc từ chữ Phạn là singa (sư tử) và pura (thành phố).

Bước vào khu vực trưng bày, tuyệt nhiên không thấy những hiện vật vô hồn nằm im ỉm trong tủ kính như ở các bảo tàng thông thường. Cũng không hề thấy bóng dáng của các hướng dẫn viên tay cầm micro, miệng đọc làu làu những câu thuyết minh đã được soạn sẵn. Chỉ có cỏ cây và những âm thanh tự nhiên của núi rừng. Văng vẳng tiếng chim kêu, cọp gầm, vượn hú… cảm giác rờn rợn như đang lạc vào một khu rừng hoang vắng. Cảm giác đó nhanh chóng qua đi khi bước vào từng gian trưng bày. Sức hấp dẫn của công nghệ tạo hình sáp ở bảo tàng này được thể hiện qua những bức tượng với màu sắc, kích cỡ và trang phục như người thật, khiến người xem có lúc ngỡ mình đang bước vào thế giới của người xưa. Không có tượng của những chính khách, những nhà khoa học, nhà văn, tài tử, ngôi sao… như ở các bảo tàng sáp của Anh, Pháp. Toàn bộ các gian trưng bày chỉ tái hiện lại nét sinh hoạt văn hóa đời thường của người dân xứ đảo qua các hoạt động cộng đồng, các phong tục tập quán, lễ nghi… Một lễ cưới với cô dâu, chú rể đang cúi lạy song thân phụ mẫu; Đêm Trung thu ngập tràn hạnh phúc, bữa cơm giản dị, đầm ấm của một gia đình người Hoa; Cảnh đi săn thú, kéo thuyền, đánh cá rất đời thường của những người đàn ông trên đảo; Cảnh buôn bán hay chơi cờ, xem bói, các tập tục, lễ nghi đầy chất nhân văn của người Ấn Độ, người Mali… Khách vừa chiêm ngưỡng các bức tượng, vừa có thể tham gia vào hoạt động của thế giới người xưa và thoải mái chụp ảnh, ghi hình. Về nhà in ảnh ra xem thật khó để phân biệt được đâu là người thật, đâu là người giả.

Mỗi ngày bảo tàng sáp Singapore thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan. Với giá vé 10 đôla Singapore (tương đương khoảng 170.000 gần đồng Việt Nam), mỗi ngày bảo tàng này có thể thu được hàng triệu đô la. Tiền thu vào lớn, dĩ nhiên các khoản dành để trùng tu, tôn tạo và đầu tư mở rộng phát triển cũng không nhỏ. Đó chính là lý do vì sao du khách đến bảo tàng sáp Singapore không có cảm giác nhàm chán, cho dù có trở lại đến lần thứ hai, thứ ba.
Bình luận của bạn về bài viết này
Tin cùng chuyên mục