Goya champuru: Nói đến ẩm thực Okinawa thực khách nhất định không thể bỏ qua goya champuru, món mướp đắng xào kiểu Okinawa, được coi là đại diện tiêu biểu cho ẩm thực phong phú của nơi đây. Trong tiếng Nhật, Goya có nghĩa là mướp đắng và có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Goya champuru là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao với các thành phần chính gồm mướp đắng, đậu phụ, thịt lợn và trứng.
Rafute: Rafute là một trong những đặc sản được chế biến từ thịt lợn của Okinawa, những miếng thịt được hầm trong nước tương và đường nâu là một trong những món ăn hấp dẫn thực khách. Rafute có nguồn gốc ở Trung Quốc và tồn tại trong nhiều phiên bản khác nhau ở khắp châu Á. Riêng ở Okinawa, rafute có vị ngọt và mặn đan xen, có thể coi là một món ăn riêng hoặc ăn kèm cùng mì soba Okinawa.
Okinawa soba: Mặc dù cũng có tên là soba, nhưng mì soba của Okinawa không giống món mì soba truyền thống của Nhật Bản. Sợi mì soba của Okinawa dai hơn và được làm từ bột mì chứ không phải kiều mạch. Một bát mì soba Okinawan thường có thêm thịt hoặc sườn lợn, cá ngừ, gừng và hành thái nhỏ.
Cơm Taco: Cơm Taco là sự kết hợp hài hòa giữa thịt bò, phô mai, sốt cà chua cùng cơm trắng. Bên cạnh đó, cơm Taco là minh chứng cho sự ảnh hưởng của phương Tây đến ẩm thực Okinawa và là món ăn nổi tiếng không chỉ ở Okinawa mà còn trên khắp Nhật Bản.
Umi budo: Umi budo là tên gọi của các cụm rong biển trông giống như chùm nho thu nhỏ thường xuất hiện ở khu vực biển Đông Nam Á và xung quanh đảo Okinawa, Nhật Bản. Món ăn này thường được phục vụ cùng nước sốt và tan trong miệng thực khách giống như những viên trứng cá muối.
Sukugarasu: Sukugarasu là tên gọi của món đậu phụ cá mặn thường được sử dụng như món ăn kèm khi uống rượu sake hay awamori. Mùi vị đặc trưng của những con cá mặn đã giúp những miếng đậu phụ thêm hấp dẫn và có hương vị riêng.
Tempura: Món tempura ở Okinawa thường sử dụng các nguyên liệu địa phương như khoai lang tím và goya thay cho tôm, cà tím và nấm được dùng trong món tempura thông thường ở Nhật Bản. Một trong số những loại tempura được yêu thích nhất là sunui tempura, được làm từ rong biển màu nâu gọi là mozuku.
Tofuyo: Tofuyo là tên gọi của món đậu phụ lên men ở Okinawa, có hương vị tương tự như đậu phụ thối ở Đài Loan. Tofuyo được cắt nhỏ thành những khối 2 cm và ăn bằng tăm.
Sata andagi: Sata andagi có nghĩa là “đường chiên”, là loại bánh rán được làm từ đường, bột và trứng, có vỏ ngoài màu nâu, thường xuất hiện ở các gian hàng trong dịp lễ hội. Ngoài ra, santa andagi còn xuất hiện trong thực đơn món tráng miệng tại các nhà hàng và được phục vụ cùng trái cây tươi hoặc kem.
Awamori: Awamori là tên chung của loại rượu trắng ở Okinawa, được làm từ gạo Indica và thường có độ cồn khoảng 30% đến 45%. Thông thường, mọi người sẽ pha thêm nước và đá vào rượu để có thể uống được nhiều hơn. Bên cạnh đó, du khách còn có thể thử habushu, một loại rượu rắn được ngâm với awamori thường tìm thấy trong cửa hàng lưu niệm.