Nên chăng sẽ viết về một vùng biển mang tên White Beach đầy nắng với hai màu chủ đạo: xanh của biển trời và trắng của cát, nơi đã khiến tim tôi rung lên sau hai chặng bay mệt mỏi? Nơi mà bạn sẽ không bao giờ sợ buồn, bởi vì chỉ cần bước chân ra đến cửa khách sạn bạn sẽ gặp ngay các nhà hàng san sát, các cửa hàng bán đồ lưu niệm đủ màu sắc, các quầy bán hoa quả, nước trái cây hay đồ snack nhan nhản. Nơi mà chỉ cần bạn đi hơi chậm lại đã được các anh người địa phương niềm nở mời các tour với đủ thứ từ lặn biển, đi tham quan các đảo, phi thuyền chuối, cưỡi dù bay hay chạy xe địa hình ATV leo núi, được tươi cười mời tết tóc đầy đầu hay xăm các hình Henna Tattoo nghịch ngợm. Nơi mà tối đến, mùi khói thơm lừng từ các hàng buffet, ánh đèn nhấp nháy, tiếng nhạc xập xình từ các quán bar như mời gọi làm bạn thấy muốn ăn, muốn uống thứ gì đó có cồn và nhẩy múa theo nhạc. Nơi mà bạn sẽ quên đi khái niệm về thời gian, dù là khi nằm dài cả ngày trên bãi biển trong cái nắng cái gió hay khi bạn hoà mình trong dòng người tấp nập đủ màu sắc đến từ nhiều quốc gia.
Hay tôi sẽ viết về trải nghiệm thú vị khi lần đầu tiên đủ liều để "ôm phản lao ra biển" thử làm Nemo với trò "helmet diving", về anh hướng dẫn cuộn chăn nằm đợi khách và 5 phút teaching teaching của anh ấy đủ để tôi hiểu cái mũ thì nặng 25kg trên bờ sẽ chỉ còn 2kg dưới nước và nếu nguy hiểm thì cần ngoáy tay loạn xị, về cảm giác khi được đẩy ra cầu tàu vẫn còn cố ngoái lại hỏi "Is it safe?" hay khi vừa xuống nước bị đau tai do thay đổi áp suất đã vội vàng ra dấu nguy hiểm để hy vọng được undo mà leo lên lại, nhưng rồi lại không kìm được sự phấn khích khi tự mình bước đi dưới đáy biển, dù chỉ với độ sâu khoảng chục mét, song là tự mình bước dò dẫm trên đáy biển giữa các đám san hô với cả đàn cá đủ màu sắc bơi lội xung quanh, thậm chí rỉa cả thức ăn cá tôi đang cầm trong tay, và ngẩng đầu lên nhìn thấy bầu trời trở thành một quầng sáng xa xa như trong các bộ phim đã xem
Hay là viết về một góc khác của Boracay, ồn ào và bụi bặm với một con đường nhỏ dọc theo trục chính đảo, về các xe Tricycle được chế từ xe máy làm phương tiện giao thông chính trên đảo có thể làm người ta ngạc nhiên cả về sức chở cũng như sự can đảm của các anh lái xe và hành khách - dù có phanh ken két cũng vẫn chả thấy tốc độ chậm đi là mấy, về khu chợ đông đúc với những người bán hàng bận rộn nhưng không quên làm dáng khi thấy máy ảnh giơ lên. Hay về một Boracay dù cực kỳ đông khách du lịch nhưng không hề có rác xả trên bãi biển, giá cả dịch vụ hợp lý ngoại trừ giá phòng khá cao trong mùa cao điểm, về các bạn tour guide hay cửu vạn làm dịch vụ gì cho khách đều phải báo cáo với bảo vệ khách sạn không biết có phải vì anh bảo vệ nào cũng đeo súng kèm theo băng đạn.
Dù cho biển ở đây chưa trong vắt như ở Maldives và có rong trôi lập lờ, dù cho ngoài biển ra không có các công trình đền chùa mang đậm màu sắc văn hoá theo kiểu Bali, dù cho các quán bar thiếu vắng các cô gái ăn mặc ít vải uốn éo quanh các cây cột giống ở Phuket, Boracay vẫn là một nơi tôi muốn kể nhiều điều
White Beach, Boracay 2/2013 - Biển say đắm và lòng em náo nức.(*) Boracay là một hòn đảo nhỏ thuộc Philippines, cách thủ đô Manila khoảng hơn 300km về phía nam, được tạp chí du lịch quốc tế Travel & Leisure bầu chọn là hòn đảo du lịch tốt nhất năm 2012 . Từ Hà nội có thể đến Boracay bằng hãng hàng không Cebu Pacific (transit qua Manila). Có 2 sân bay là Catilan cách Boracay 20 phút đi tàu biển (nhưng chỉ đỗ được máy bay nhỏ), và Calibo cách Boracay 20 phút đi tàu + hơn 1 giờ đi xe ô tô. Lưu ý là ở Philippines vẫn phải đóng lệ phí sân bay (200 peso/người/lượt cho chuyến nội địa và 550 peso/người/lượt cho chuyến quôc tế), ngoài ra còn phí môi trường khi ra đảo, phí cầu phà (ngoài tiền vé).
Lê Kiều Ngọc Thu