Cuộc sống của người dân Sapa lao động trong sương mù, mây núi lơ lửng trong sương mù, những ruộng bậc thang chìm trong sương mù hay những hàng cây sa mu đứng “ngạo nghễ” trong sương mù,… tất tần tật những thứ liên quan đến sương mù Sapa, đối với tôi đều sẽ trở thành kiệt tác. Bạn có thể tưởng tượng ra khung cảnh mà mọi thứ đều mờ mờ ảo ảo, ngay cả người đứng cách bạn 3m cũng nhìn chẳng rõ, bạn sẽ cảm thấy thật “vi diệu”. Chính sương mù đã tạo nên cái chất của mùa đông Sapa. Dù bạn chỉ là một “tay mơ”, thì cũng dễ dàng có được một tác phẩm để đời.
Đứng bên bờ hồ Sapa, nhìn những du khách và người dân bản địa thả bộ trong sương mù, những phụ nữ dân tộc H’Mong, Dao địu con trên lưng, những phụ nữ gùi cỏ non trở về nhà, những đứa trẻ theo mẹ xuống phố hay những phụ nữ ngồi sưởi bên bếp than hồng, thêu những vuông thổ cẩm nhỏ trong gam màu xám trắng,… sẽ khiến bạn không nỡ cất bước bỏ đi, cứ muốn bấm mãi, bấm mãi dù đã chụp không biết bao nhiêu lần.
Cái thú mùa đông ở Sapa, ngoài săn ảnh, thì thưởng thức những hương vị đặc sắc của ẩm thực nơi đây còn là điều khiến bạn không thể chối từ. Trong màu xám trắng đặc trưng của mùa đông là những bộ y phục thổ cẩm sặc sỡ, là làn khói lượn lờ từ những quán hàng ăn bốc hơi nghi ngút, những xiên đồ nướng đủ sắc màu, những trái bắp nướng thơm lừng, dẻo ngọt, sẽ mời gọi bạn đủ kiểu. Và đương nhiên, bạn sẽ không muốn bỏ qua món lẩu cá Hồi, cá Tầm, thịt hun khói xào cải nương,…khi đã tốn công tốn sức “đường xa lặn lội” lên Sapa.
Sapa, ai từng một lần đến thăm, sẽ muốn quay lại, sẽ muốn ở lại càng lâu càng tốt, dù cho nhiều người nói Sapa đã bị “thương mại hóa” rồi nhưng tôi vẫn say mê nơi này bởi vì đó là Sapa.